Saturday 1 January 2022

Truyện Kiều thơ tiếng Việt

 

Truyện Kiều phỏng theo một cuốn tiểu thuyết của Tàu, tất nhiên dùng rất nhiều từ ngữ và điển cố trong dòng văn học chữ Hán.


Nhưng, trong một số trường hợp, đọc âm <chữ nôm mượn viết từ chữ Hán> theo <âm tiếng Việt ngoài dòng ngôn ngữ Hán> có phần hợp lý hơn, lại vừa rõ ràng dễ hiểu và hay hơn cách đọc theo âm "Hán Việt".


Chú ý: bản nôm dùng ở đây là bản Liễu Văn Đường 1866 (Tự Đức năm thứ 19).


Bây giờ sống chết ở tay (câu 1143)

Xin chứng dẫn vài thí dụ:


1. Bây giờ sống chết ở tay (câu 1143)


chữ nôm "chết" là loại chữ đọc âm tiếng Việt theo nghĩa của chữ Hán  (tử).


2. Thà liều sống chết một ngày với nhau (câu 2532)


chữ nôm thứ 4 khắc là ⿱托死 (thác/tử); nhiều bản quốc ngữ ghi âm đọc là "thác" (nghĩa là chết). Câu này ghi lại câu nói của Kiều, vừa nói vừa khóc, dưới chân Từ Hải — chết đứng giữa trận tiền. Ghi cả câu là "Thà liều sống chết một ngày với nhau" thì rất tự nhiên dễ hiểu. Vả lại, trong bản Duy Minh Thị 1872, chữ nôm thứ 4 khắc là ⿱折死 (chiết/tử); thành phần chỉ âm (bên trên) chính là chữ (chiết); thành phần chỉ nghĩa (bên dưới) là chữ 死 (tử).


3. Nàng vừa phục xuống Từ liền ngã ra (câu 2536)


chữ nôm "phục xuống" khắc là 伏下 (phục hạ)

chữ nôm có thể đọc là "hạ" và có vài bản quốc ngữ cũng ghi âm đọc là "phục hạ".

nhưng cách đọc là "xuống" có cơ sở của nó, bản nôm Lâm Nọa Phu 1870 dùng chữ nôm ⿰竜下 (long+hạ), gồm có: thành phần chỉ âm (bên trái) là chữ (long); thành phần chỉ nghĩa (bên dưới) là chữ (hạ).


4. Nàng rằng: Lồng lộng trời cao,

Hại người người hại sự nào tại ta (câu 2381-2382)


chữ "hại người người hại" bản nôm khắc là: 害人人害; đa số các bản quốc ngữ đều chép là "hại nhân nhân hại". Thiển nghĩ tại sao không ghi âm đọc một cách thông thường tự nhiên dễ hiểu như chúng tôi đã ghi trên; Nguyễn Du chắc hẳn cũng nghĩ như thế mà thôi.


5. Dạy rằng: Hương lửa ba sinh,

Dây loan xin nối cầm lành cho ai (câu 2581-2182)


2 chữ nôm thứ 3 và 4 khắc là 香火; 2 chữ Hán 香火 chuyển sang tiếng Việt thành 2 cách đọc và có 2 ý nghĩa khác nhau.

Theo Việt Nam Tự Điển (Hội Khai Trí Tiến Đức)

a) "hương hỏa" nói về di sản để lại, dùng vào việc cúng giỗ; thí dụ: chia của để riêng phần hương hỏa. 

b) "hương lửa" nói về tình nghĩa nồng nàn của vợ chồng; thí dụ: Phải duyên hương lửa cùng nhau (Cung oán ngâm khúc).

Như vậy trong câu thơ 2581, phải đọc là "hương lửa" mới đúng tiếng Việt.