Thursday 30 December 2021

Gérard de Nerval, FANTAISIE

 


FANTAISIE

Il est un air pour qui je donnerais
Tout Rossini, tout Mozart et tout Weber,
Un air très vieux, languissant et funèbre ,
Qui a pour moi seul a des charmes secrets

Or, chaque fois que je viens à l'entendre,
De deux cents ans mon âme rajeunit ...
C'est sous Louis treize; et je crois voir s'étendre
Un coteau vert, que le couchant jaunit.

Puis un château de brique à coins de pierres,
Aux vitraux teints de rougeâtres couleurs,
Ceint de grands parcs, avec une rivière
Baignant ses pieds, qui coule entre des fleurs;

Puis une dame à sa haute fenêtre,
Blonde aux yeux noirs, en ses habits anciens,
Que dans une autre existence peut-être,
J'ai déjà vue ... et dont je me souviens!

Bài ca mộng ảo

Có một điệu hát nào tôi chịu đổi
Cả Rossini Mozart và Weber
Một điệu buồn cổ kính thê lương thôi
Mà riêng tôi thấy kiều diễm tuyệt vời
Và mỗi lần chợt bất ngờ nghe lại
Linh hồn tôi trẻ lại hai trăm năm
Thuở ấy sương thiên thu bừng dậy
Dưới triều vua lộng lẫy Lúy Thập Tam
Và tôi tưởng lặng nghe còn thoáng thấy
Một ngọn đồi biêng biếc bóng chiều vàng
Và cung điện gạch ngần xây đá ngọc
Cửa gương hồng phơn phớt đỏ long lanh
Quanh vườn rộng chảy một dòng suối mát
Quanh chân cung ôm ấp lá hoa cành
Một giai nhân ngậm ngùi khung cửa hé
Mắt u huyền, tóc óng ả, y trang xưa
Mà kiếp xưa từng có lần có lẽ
Ðã cùng tôi tao ngộ ... kiếp nào xưa

Bùi Giáng dịch (1) Mùi hương xuân sắc, trang 6


giới thiệu app Giúp đọc Truyện Kiều


Xin trân trọng giới thiệu ứng dụng app http://www.vanlangsj.org/TruyenKieu/ cho phép đọc trên máy PC điện tính cá nhân hoặc bằng smartphone (những phương tiện truyền thông tiện dụng nhất ngày nay): 

"Truyện Kiều chữ quốc ngữ và chữ nôm đối chiếu"

với phần chú giải và những tiện ích (tools) tra cứu trong văn bản

Bản chữ nôm chính dùng ở đây là bản Liễu Văn Đường 1866 (Tự Đức năm thứ 19). Đây là bản nôm xưa nhất đã tìm thấy cho đến bây giờ. Chọn bản xưa nhất, ý là mong mỏi văn bản càng gần chừng nào càng tốt — đối với nguyên tác của Nguyễn Du (1765-1820).

1. Phương hướng đọc âm là theo sát bản chữ nôm, và nếu cần, tham khảo nhiều bản chữ nôm và chữ quốc ngữ phổ biến khác.

Truyện Kiều phỏng theo một cuốn tiểu thuyết của Tàu, tất nhiên dùng rất nhiều từ ngữ và điển cố trong dòng văn học chữ Hán. Nhưng qua những lần cân nhắc phải đọc âm những chữ nôm thế nào cho đúng nhất, chúng tôi "bỗng khám phá" ra một điều thú vị, đó là trong một số trường hợp, đọc âm <chữ nôm mượn viết từ chữ Hán> theo <âm tiếng Việt ngoài dòng ngôn ngữ Hán> có phần hợp lý hơn, lại vừa rõ ràng dễ hiểu và hay hơn cách đọc theo âm "Hán Việt".

Xin chứng dẫn vài thí dụ:

a) Nàng vừa phục xuống Từ liền ngã ra (câu 2536)

chữ nôm "phục xuống" khắc là 伏下 (phục hạ)

chữ nôm 下 có thể đọc là "hạ" và có vài bản quốc ngữ cũng ghi âm đọc là "phục hạ".

may thay, cách đọc là "xuống" có cơ sở của nó, bản nôm Lâm Nọa Phu 1870 dùng chữ nôm 

⿰竜下 (long+hạ), gồm có thành phần chỉ âm là chữ 竜 (long) và thành phần chỉ nghĩa là chữ 下 (hạ).

b) Nàng rằng: Lồng lộng trời cao,

Hại người người hại sự nào tại ta (câu 2381-2382)

4 chữ "hại người người hại" bản nôm khắc là: 害人人害

đa số các bản quốc ngữ đều chép là "hại nhân nhân hại"

thiển nghĩ tại sao không ghi âm đọc một cách thông thường tự nhiên dễ hiểu như chúng tôi đã ghi trên; Nguyễn Du chắc hẳn cũng nghĩ thế mà thôi.

c) Dạy rằng: Hương lửa ba sinh,

Dây loan xin nối cầm lành cho ai (câu 2581-2182)

2 chữ nôm "hương lửa" khắc là 香火 (hương hỏa)

2 chữ Hán 香火 chuyển sang tiếng Việt thành 2 cách đọc và 2 ý nghĩa khác nhau

theo Việt Nam Tự Điển (Hội Khai Trí Tiến Đức), "hương hỏa" nói về di sản để lại, dùng vào việc cúng giỗ; thí dụ: chia của để riêng phần hương hỏa; "hương lửa" nói về tình nghĩa nồng nàn của vợ chồng; thí dụ: Phải duyên hương lửa cùng nhau (Cung oán ngâm khúc). Như vậy trong câu thơ 2581, phải đọc là "hương lửa" mới đúng tiếng Việt.

2. Về phần chú giải Truyện Kiều, xưa nay các nhà khảo cứu thường chỉ chú trọng nhiều tới các từ ngữ điển cố thuộc dòng văn học chữ Hán. Đây là loại chú giải thứ nhất trong ứng dụng này.

Chúng tôi cố gắng thêm loại chú giải thứ 2, đó là giải thích nhiều từ ngữ <ngoài dòng văn học chữ Hán> (tham khảo các từ điển nguồn gốc tiếng Việt, từ điển từ cổ, v.v.).

Và đúng như nhận xét của Nguyễn Hiến Lê & Trương Văn Chình, để giúp người đọc hiểu thấu đáo Truyện Kiều hơn nữa, các nhà học giả cần phải thêm vào những chú thích dựa theo ngữ pháp tiếng Việt (chẳng hạn: những phép đảo ngữ, lược ngữ, hư vấn, v.v.). Đó là loại chú giải thứ 3 trong ứng dụng này.

Thêm nữa, người ta đọc thấy khá nhiều thuật ngữ Phật giáo dùng trong Truyện Kiều mà cho đến nay vẫn hiếm có những giải thích đầy đủ.  Đó là loại chú giải thứ 4 trong ứng dụng này.

3. Ngoài ra, trong ứng dụng còn có vài tiện ích (tools) cho phép tra tìm từ ngữ trong văn bản Truyện Kiều và những chú giải có mặt trong Phần chú giải.



Tóm lại, người dùng cầm trong lòng bàn tay một công cụ để đọc được toàn thể 3254 câu thơ Truyện Kiều, viết bằng chữ quốc ngữ và chữ nôm đặt song song; với những tiện ích tìm kiếm trong đó, coi như có cả một bộ từ điển Truyện Kiều online, cùng toàn thể những chú giải về từ ngữ và điển tích (thuộc dòng văn học chữ Hán và ngoài dòng ngôn ngữ chữ Hán), thuật ngữ Phật giáo dùng trong văn bản Nguyễn Du.

Hồi xưa, còn nhỏ, bị bắt buộc phải học Truyện Kiều, tôi ngán ngẫm nuốt không vô.

Thế rồi một hôm, không biết lúc nào, bỗng nghe vi vút những câu thơ mông lung kỳ lạ, réo rắt như một khúc đoạn trường:

Il est un air pour qui je donnerais

Tout Rossini, tout Mozart et tout Weber...




Đặng Thế Kiệt

http://www.vanlangsj.org/TruyenKieu/


2021/12/30