Monday 11 June 2018

Tài liệu tham khảo


e-TC2
Tự Điển THIỀU CHỬU Hán Việt đối chiếu & khảo đính
http://www.vietnamtudien.org/tc2/

(1) Hán Việt Tự Điển, Biên tập Thiều-Chửu, 1942, Nhà in Đuốc-Tuệ, 73, Phố Richaud, HANOI
(2) Hán Việt Tự Điển, 漢越字典, Thiều-Chửu, 2000, Nhà xuất bản TP. HCM
(3) 漢越字典 Hán Việt Tự Điển Thiều Chửu, 2003, http://www.vietnamtudien.org/thieuchuu/
(4) Xue Sheng Zi Dian Data, http://kanji-database.sourceforge.net/dict/xszd/
(5) http://dict.variants.moe.edu.tw/variants/rbt/home.do
(6) [二一四部首各種形體歸併表]




























Dự án e-TC2


Tự Điển THIỀU CHỬU Hán Việt đối chiếu & khảo đính
http://www.vietnamtudien.org/tc2/

Bộ Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu xuất bản năm 1942, cho đến hôm nay vẫn được coi là một tài liệu tham khảo quan trọng cho những người học hỏi và nghiên cứu Hán ngữ.

Cuốn sách này đã được tái bản hơn 10 lần, đã được biên tập lại theo kĩ thuật gõ và in chữ bằng máy điện toán.  Khoảng năm 2000, nó còn được chuyển sang dạng điện tử xem được trên Internet hoặc làm thành softwares viết bằng ngôn ngữ Java  để tra tự điển trên máy PC.

Trong những bản biên tập theo kĩ thuật mới, hình thức trình bày được cải tiến rõ rệt so với bản in gốc năm 1942. Các lỗi chính tả chữ Quốc ngữ được sửa đúng theo những tiêu chuẩn mà phần lớn  đã được chấp nhận bây giờ. Nội dung văn bản sách in của Thiều Chửu nói chung rất được tôn trọng. Ngoại trừ một rất ít sai sót gặp phải trong công việc sao chép, và vài thí dụ hoặc trích dẫn thêm vào trong bản điện tử mà không có ghi dấu rõ ràng (để phân biệt với nguyên văn).

Tuy nhiên, văn bản Thiều Chửu từ đầu, vốn đã có một số «vấn đề», đó là:

  • Thiều Chửu dùng một số từ cổ (như: thửa, chưng, bui...) có phần khó hiểu đối với độc giả ngày nay;
  • Thiều Chửu dịch, theo cách riêng của ông, một số danh từ khoa học kĩ thuật (hình vuông đứng, khoa học tính...) mà ngày nay ít ai biết;
  • Thiều Chửu dùng một số tiếng Việt gốc Pháp (như: kê-môn, mền-đay, lô-cốt...) ít còn thông dụng;
  • Một số định nghĩa quá vắn tắt;
  • Nhiều câu văn rất tối nghĩa.

Vào khoảng năm 2010, chúng tôi tìm ra được một website tự điển chữ Hán do một nhóm học giả người Nhật thực hiện, gọi tên là: 學生字典データ Xue Sheng Zi Dian Data (4, cf. Tài liệu tham khảo). Đọc qua, thì thấy cấu trúc và nội dung gần như y hệt bộ tự điển của Thiều Chửu. Sau khi khảo sát thêm, chúng tôi nghĩ rằng đây chính là văn bản gốc mà Thiều Chửu đã dùng để biên tập tự điển của ông.

Hôm nay, chúng tôi quyết định mở đầu một dự án mới, gọi là:

Tự Điển THIỀU CHỬU
Hán Việt đối chiếu & khảo đính (e-TC2)

Mục tiêu chính: thực hiện một công cụ mới, chính xác và tiện dụng cho việc tra cứu bộ sách của Thiều Chửu in năm 1942 tại Hà Nội.

Gọi là Hán Việt đối chiếu: vì các định nghĩa có 2 cột: cột bên trái tiếng Việt (nguyên văn sách in của Thiều Chửu), cột bên phải Hán văn (trích từ website Xue Sheng Zi Dian Data (4), cf. Tài liệu tham khảo).

Gọi là khảo đính: vì dựa theo bản Hán văn, chúng tôi đã giải thích được một số những «vấn đề» ghi trên: từ cổ, danh từ khoa học kĩ thuật, từ Việt gốc Pháp… Hơn nữa, nhờ so sánh với bản Hán văn, người đọc có thể hiểu rõ hơn một số định nghĩa nhiều khi rất vắn tắt trong sách của Thiều Chửu hoặc phát hiện một số sai sót (phiên âm sai, lỗi nhà in, v.v.).

Nguyên tắc biên tập

  • Hết sức tôn trọng nội dung nguyên tác,
  • Thay đổi chút ít cách trình bày (trong sách in) để thích ứng với dạng điện tử,
  • Đánh số các định nghĩa một cách chính xác hơn,
  • Sửa chữa một số sai sót (dựa theo bản chữ Hán),
  • Thiều Chửu dùng nhiều chữ cổ, chúng tôi giữ nguyên, nhưng thêm vào ghi chú (dựa theo bản chữ Hán),
  • Thêm những thí dụ hoặc bổ túc những thí dụ có sẵn, chú thêm (xuất xứ, tên tác giả…) để làm sáng tỏ một số định nghĩa. 
  • Ngoài ra, trong phiên bản này, có thêm vào một số mục từ vài tranh vẽ hoặc hình ảnh, để minh họa một cách cụ thể cho những định nghĩa, khi cần thiết.

Quy ước

1) Những đoạn ghi chú thêm: đánh dấu bằng kí hiệu

2) Những sai sót phát hiện được:  đánh dấu bằng kí hiệu

3) Một số định nghĩa "rất lạ", không có trong bản Hán văn và chưa tìm ra nguồn gốc: đánh dấu bằng kí hiệu
 
4) Thiều Chửu dịch khá sát với bản Hán văn, tuy thường lược bớt phần ghi xuất xứ, tác giả, tác phẩm… trong các câu thí dụ hoặc trích dẫn, nhưng giải thích thêm khá nhiều thuật ngữ Phật giáo. Đúng như ông lời ông đã viết trong Mấy lời nói đầu: «biên tập tự điển» là «theo đuổi công việc hoằng dương Phật pháp». Những thuật ngữ Phật giáo này được đánh dấu bằng kí hiệu






Soạn giả kính cáo,

Đặng Thế Kiệt
(2018-06-11)











e-TC2: Cách sử dụng


Website e-TC2 http://www.vietnamtudien.org/tc2/

Xem được trên máy PC và thích ứng với smartphone.

Có 4 cách xem các mục từ:

1) [Xem cả bộ thủ]
Gõ số bộ thủ (thí dụ: 030) hoặc tên bộ thủ (thí dụ: Khẩu).

Tất cả các mục từ thuộc bộ thủ này hiện ra trên màn ảnh, theo thứ tự số nét từ nhỏ tới lớn.
Chú ý: Trong một số trường hợp mà con số mục từ quá lớn, những trang tự điển sẽ được tách ra làm nhiều phần.

Thí dụ: bộ Thổ 032 có 2 phần:
土 032 #1 bộ Thổ (0-8n)
土 032 #2 bộ Thổ (9n-)

2) [Tìm theo bộ]
Click lên link bộ thủ (1-214) muốn tìm.
Click lên link số nét (thêm ngoài bộ thủ).

3) [Âm HV]
Gõ âm đọc chữ Hán (theo vần abc)

4) [漢]
Gõ chữ Hán mục từ muốn tìm.












e-TC2: infos

















Saturday 2 June 2018

xem Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn trên smartphone


Có thể xem Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn version thích hợp với màn ảnh nhỏ trên smartphone (responsive) như sau:

Click lên icon smartphone trên trang chủ
http://www.vietnamtudien.org/hanviet/


Kết quả:

漢越辭典摘引
Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn



Dang The Kiet


[Từ 辭]   [Bộ 部]   [Nét 畫]
[Phiên 翻]   [Hoán 換]

Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng hỗ tương trên hai phiên bản cho PC và cho smartphone, xin đóng lại trang web http://www.vietnamtudien.org/hanviet/ dành cho PC.

Cách hay nhất là trên smartphone gõ thẳng URL sau đây:

http://www.vietnamtudien.org/hanviet/smart.php