Saturday 5 December 2020

Truyện Kiều và Bùi Giáng: hoài niệm Thiên Thai


(...)

Và có tác phẩm nào trong văn chương tiếng Việt gây cho người những nỗi thương tâm, bất bình, vừa sâu xa man mác, vừa an ủi lạ lùng như Đoạn trường tân thanh? Tác phẩm của Tố Như đã làm rạng nghĩa cho đạo lý như thế nào? Khi chậm rãi kể lại cho chúng ta đời sống của Kiều cùng mọi hành động, cử chỉ, lời ăn tiếng nói, câu khóc giọng cười, nhà nghệ sĩ không một lần nào vo tròn hay bóp méo nghệ thuật để cho nó quy thuận theo dụng ý riêng tây, mà vẫn trọn vẹn ký thác được tâm sự mình, và đã cho đời sau thấy cả một nhân sinh quan lung linh tuyệt diễm. Nguồn đạo lý thoát ra từ cái nhân sinh quan sâu sắc ấy, từ cái nhìn rất gần gũi với cuộc đời, mà hầu như đã hoàn toàn siêu thoát, người sẽ nói đến tài, đến mệnh, đến luật bỉ sắc tư phong, nghĩa là đến những ý tưởng sáo — và nhiều khi chúng ta muốn mỉm cười cho là nhạt nhẽo, bâng quơ — nhưng nếu ta chịu chậm rãi thung dung nhận lại, ta sẽ thấy không biết bao nhiêu sâu xa của tư tưởng, u uẩn của tâm tình, khúc mắc của tâm can được giải bày dưới những lời tầm thường mà người thường vẫn thường dùng quen trăm bận. Rồi cũng từ đó, bao nhiêu hành động, ngôn ngữ của nhân vật, khi yếu, khi hèn, khi tầm thường nhu nhược, nhân vật mà người khen, khen hết mực, người chê, chê không tiếc lời, nhân vật ấy bỗng khoác một dáng dấp khác hẳn, giống hệt đời, mà buộc ta vượt qua đời, rất gần gũi mà lại nhắc nhở xa khơi, ta cùng người đắm chìm trong tủi nhục, mà lại muốn 

photo 2020 VP@huediepchi.com

"cao xanh liều một cánh tay níu trời…". Và những người đứng ngoài cuộc, chống ý nhau, người tán dương, kẻ thóa mạ, cả đôi bên đều không ngờ rằng mình vẫn cùng nhau mang nặng một bản chất, bản chất của con người vừa vinh vừa nhục, vừa Satan quỷ quyệt, vừa Thiên thần, nơi đất trích vẫn hoài niệm Thiên Thai… 


Bùi Giáng

http://tieng-viet-dtk.blogspot.com/2012/07/giong-noi-cua-nguyen-du.html